image banner
Đăng nhập
Giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục

Cuộc họp được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của Uỷ viên Hội đồng, thành viên Tiểu ban giáo dục mầm non, đại diện cơ quan Trung ương, một số đơn vị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), một số Sở GDĐT, đại diện các tổ chức quốc tế liên quan, đại diện các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, trường đại học và các chuyên gia.

 

Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì cuộc họp

Hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến đảm bảo an toàn cho trẻ

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Trưởng Tiểu ban Giáo dục Mầm non cho biết: Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, hệ thống trường lớp mầm non tư thục đã phát triển nhanh chóng, nhất là tại các vùng đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất; điều này đáp ứng yêu cầu phát triển nhưng cũng đồng thời đặt ra yêu cầu về quản lý nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.

Theo Thứ trưởng, để tăng cường công tác quản lý đối với hệ thống mầm non tư thục, thời gian qua, hệ thống văn bản pháp luật, hướng dẫn đã được ban hành bám sát yêu cầu thực tiễn, công tác kiểm tra được quan tâm, nhận thức của các cấp cũng đã được nâng lên; tuy nhiên cần phải thẳng thắn nhìn nhận công tác đảm bảo an toàn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, nhất là ở các nhóm trẻ độc lập tư thục vẫn còn hạn chế và phải được khắc phục trong thời gian tới bằng các giải pháp tích cực và hiệu quả hơn.

Trao đổi về những giải pháp liên quan đến hoạt động quản lý, chỉ đạo đối với công tác đảm bảo an toàn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GDĐT) cho hay: Bộ GDĐT đã tham mưu ban hành và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đảm bảo an toàn.

Hàng năm, Bộ GDĐT đã đưa nội dung tăng cường quản lý các nhóm lớp ngoài công lập vào hướng dẫn nhiệm vụ năm học; ban hành nhiều công văn chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn cho trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Đồng thời, yêu cầu các sở GDĐT chỉ đạo các phòng giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các cở sở giao dục mầm non ngoài công lập, kịp thời phát hiện và kiên quyết đình chỉ các nhóm lớp tư thục không đảm bảo các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Bộ GDĐT cũng đã tổ chức nhiều Hội nghị, Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và bàn về giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ; tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cốt cán và chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường mầm non; xây dựng và ban hành tài liệu về đảm bảo an toàn, tài liệu hướng dẫn nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ cho giáo viên tại trường mầm non, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.

Giải pháp trong thời gian tới, theo ông Minh, là tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đảm bảo an toàn cho trẻ; tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi các chính sách, quy định; tiếp tục triển khai các hoạt động tập huấn, phổ biến tài liệu về hướng dẫn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo hành trẻ; chỉ đạo việc thực hiện Chuyên đề “Đẩy mạnh phòng, chống bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non”…

Giải pháp từ đào tạo đội ngũ giáo viên

Trong nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho sự mất an toàn của trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục có nguyên nhân đến từ đội ngũ giáo viên, trong đó có vấn đề đào tạo đội ngũ này từ trong các trường sư phạm. TS Nguyễn Tùng Lâm, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cho rằng, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non là giải pháp đầu nguồn, giải pháp cơ bản để có được một đội ngũ giáo viên mầm non có tay nghề, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp.

PGS.TS. Bùi Thị Lâm, Khoa Giáo dục Mầm non , Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khuyến nghị: Các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non cần rà soát và quản lý chất lượng đầu vào của các trường. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác định hướng, tư vấn tuyển sinh ngành giáo dục mầm non, giúp cho học sinh phổ thông hiểu một cách cơ bản về nghề, chọn ngành học để làm nghề sau này chứ không phải chỉ là chọn nơi để học. Sàng lọc này giúp các trường chọn được những học viên có tình cảm nghề nghiệp ban đầu và tiếp tục bồi dưỡng trong quá trình đào tạo.

Cũng theo bà Lâm, trong quá trình công tác, giáo viên mầm non cần thường xuyên được đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là nâng cao chất lượng của các hoạt động giáo dục đạo đức nghề nghiệp, giáo dục tình yêu nghề, yêu trẻ. Tạo môi trường làm việc thân thiện, giảm bớt áp lực căng thẳng cho giáo viên, người chăm sóc trẻ; hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn cách giao tiếp với trẻ, xử lý các tình huống trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, thực hành kỹ năng quản lý cảm xúc.

Cùng bàn về giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, TS Đặng Lan Phương, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh tới việc cần thường xuyên kiểm tra, rà soát lại trình độ giáo viên để có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ; chú trọng tạo sự công bằng trong các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn giữa hệ thống các trường mầm non công lập và tư thục; tăng cường các hoạt động giúp giáo viên có được những kiến thức cơ bản về đạo đức nghề nghiệp của người giáo dục mầm non.

Cần dành sự quan tâm đầu tư cho giáo dục mầm non

Từ kinh nghiệm trong xây dựng môi trường chăm sóc, giáo dục an toàn cho trẻ trong các nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục, đại diện Sở GDĐT Vĩnh Phúc cho rằng, cần phải tăng cường quản lý nhà nước đối với các nhóm, lớp độc lập tư thục theo phân cấp quản lý; thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ của nhóm, lớp độc lập tư thục ít nhất 2 lần/năm học.

Đưa nội dung, tiêu chí xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích vào tiêu chuẩn, điều kiện thành lập nhóm, lớp độc lập tư thục và chỉ công nhận, ra quyết định thành lập đối với nhóm, lớp độc lập tư thục đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, đảm bảo an toàn cho trẻ.

Chia sẻ về một số khó khăn trong quản lý hoạt động của các nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập tư thục tại thành phố Hải Phòng, đại diện Sở GDĐT địa phương này đồng thời kiến nghị một số nội dung cần thực hiện trong thời gian tới. Như cần có chính sách hỗ trợ trẻ học tại các cơ sở mầm non ngoài công lập như ở loại hình công lập để đảm bảo quyền bình đẳng học tập của trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ; Nhà nước cần dành kinh phí xây dựng trường mầm non công lập đảm bảo yêu cầu giáo dục sớm cho trẻ.

Đồng thời, cần ban hành văn bản mang tính pháp chế giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền phải dành quỹ đất sạch cho giáo dục mầm non khi quy hoạch các dự án khu công nghiệp, khu chế xuất và yêu cầu các doanh nghiệp khu công nghiệp, khu chế xuất dành nguồn kinh phí nhất định xây dựng các trường mầm non, đảm bảo đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của con em công nhân lao động, giảm hiện tượng các nhóm lớp mầm non xuất hiện tự phát không đảm bảo điều kiện hoạt động.

 
Tác giả: Trung tâm Truyền thông Giáo dục